Cà phê Cực Bắc giờ nổi tiếng lắm rồi. Dân du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng cố mò đến đó để được ngồi tĩnh lặng đếm giọt sầu rơi qua phin lọc cà phê, để đắm mình trong cảm giác chiều tà vùng quan tái. Đó là quán cà phê Cực Bắc của ông Yasushi Ogura, một người Nhật mê đắm Việt Nam.
Gọi là quán cà phê Cực Bắc là bởi vị trí địa lý của nó. Quán nằm trong thôn Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú. Đây chính là điểm địa đầu của đất nước VN về hướng Bắc.
Ở một bản heo hút mà có quán cà phê kiến trúc truyền thống với nhà trình tường, tường đá, cổng gỗ, dùng chuông gọi đồ uống, dùng chuông treo trên cổ trâu, bò, dê để tính tiền, vừa thưởng thức những món đồ uống ngon tuyệt… vừa xem dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu, vừa thư thái ngắm núi non trùng điệp lại được trò chuyện thân tình với những con người hiền lành chân chất thì thật là thú vị.
Không còn gì khác tuyệt hơn khi vào những buổi sáng sớm, ngồi trên hiên nhà của quán cà phê, u nhàn nhìn những tia nắng mai xuyên qua lớp sương mỏng vẫn còn lảng bảng chưa tan, rồi ngó cổ qua cái cửa sổ tam giác khoét trên tường để xem tiếng chim hót từ đâu vọng tới rồi khoan thai nhấp ngụm cà phê nóng. Hoặc những buổi hoàng hôn, ngồi giữa sân với mấy tay phiêu lưu vẫn còn khét bụi đường mà khề khà dăm cốc rượu ngô hạ thổ do chính tay ông chủ nhà cất thì thú biết mấy. Ngẩng đầu lên, trên màn trời xanh nhạt, những ngôi sao mọc sớm đã hấp háy như những con mắt trong veo.
Xem thêm >>> tour du lịch Nhật Bản Tết 2018 của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.
Thôn Lô Lô Chải đáng yêu vô cùng. Những nếp nhà trình tường vàng màu hoàng thổ, những mái nhà đen xạm như da con lợn tộc bụng phệ chảy nhởn nhơ bờ rào xếp bằng đá phiến. Vào mùa xuân, khi hoa đào hoa mận bung cánh, cái tường nhà đó, cái mái nhà đó tạo thành hậu cảnh cho những sắc hồng, sắc bạch lung linh. Chỉ có khoảng 300 nhân khẩu sinh sống tại thôn, họ đã duy trì rất tốt bản sắc dân tộc, không để những điều quý giá bị bay màu, bị phôi pha trong dòng xoáy của sóng kim tiền. Để có được những điều ấy, là nhờ rất nhiều công sức của các người như ông Ogura.
Quán là nhà của anh Dỉu Dỉ Chiến (40 tuổi) và chị Lục Thị Vấn (39 tuổi). Nhà được xây dựng đúng lối trình tường của người Lô Lô, bên ngoài bao quanh bằng hàng rào đá, ngay cổng vào là 1 cây đào cứ Tết đến là nở hoa đỏ thắm. Đấy chính là 1 ngôi nhà Lô Lô chuẩn mực, lại thêm có vị trí đẹp là nằm gần đầu thôn. Sau khi đi điều tra gần 100 căn nhà trong thông, ông Ogura quyết định chọn nhà của Chiến để mở quán cà phê. Nhưng ý tưởng là thế, nhưng thuyết phục được chủ nhà đâu phải dễ.
Thì cũng bởi bao nhiêu năm bà con sống khép kín nên không thấy thoải mái khi có người lạ ra vào, ngồi ngay trước cửa nhà mình mà cười nói ồn ào. Chưa kể những khó khăn như không biết pha cà phê, không biết tiếng Anh, không quen giao tiếp thì làm sao mà quán được.
Ông Ogura phải rủ rỉ thuyết phục từng thành viên trong gia đình, mãi rồi mọi người mới thông. Ông đầu tư 200 triệu đồng để mua sắm bàn ghế gỗ, ấm, chén và xây hai phòng vệ sinh hiện đại. Ông mời một cô gái Hà Nội lên ở Lô Lô Chải một tuần để dạy chị Vấn những câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng, dạy chị cách pha cà phê, trà, nước chanh, cách phục vụ bàn…
Cứ thế, những bỡ ngỡ ban đầu dần thay thế bằng sự thành thục. Và đầu năm 2015, quán cà phê Cực Bắc mở cửa. Và bỗng nhiên, dân phượt có thêm một điểm check-in "sống ảo" như trong mơ. Cao nguyên đá, cánh đồng tam giác mạch, dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, quán Cực Bắc… tất cả những điều đó tạo thành chuỗi giá trị làm thay đổi cuộc sống của người Lô Lô.
Với ông Ogura, thôn Lô Lô Chải và Hà Giang đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Ông yêu mảnh đất này thật sự, không phải như kiểu "Tôi yêu Việt Nam" như khẩu hiệu truyền thông. Mỗi tháng, ông phân chia thành 2 nửa: 15 ngày bên Nhật và 15 ngày bên VN. Ông giám sát quán cà phê Cực Bắc chặt chẽ không phải để kiểm soát thu nhập lãi lỗ mà là giám sát cách làm. Với ông, việc được bảo tồn được giá trị bản địa, bản sắc dân tộc mới là mục tiêu chính. Quán cà phê là phương tiện giúp người Lô Lô kiếm được tiền mà không phải đánh đổi, đánh mất bản sắc.
Quán là nhà, nhà là điểm làm du lịch. Không cái nào có thể triệt hại cái nào mà chỉ có thể cùng tồn tại một cách tích cực. Ngồi bên mâm rượu mà chính tay ông hướng dẫn các thiếu nữ Lô Lô cách nấu nướng, bày biện, ông Ogura tâm sự bằng tiếng Việt rành rọt: "Tôi yêu mảnh đất này lắm nên quyết làm điều gì đó. Khách đến quán đông thì mừng lắm vì người dân sẽ có hướng khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống. Nhưng không vì thế mà làm mất đi bản sắc. Bảo tồn được nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để thu hút du khách, phát triển kinh tế du lịch chính là công cụ bền vững để người dân địa phương nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Có như thế mới bảo tồn được văn hóa, phát triển được kinh tế".
Đó là tấm lòng của một người Nhật dành cho mảnh đất địa đầu, một người đau xót khi chụp ảnh đập phá một nhà trình tường cổ để thay bằng một căn nhà gạch bê tông xám xịt, mái lợp tôn vô hồn. Trong khi, rất nhiều người Việt lại thờ ơ khi nhìn thấy Đồng Văn, Sapa, Bắc Hà… đang bị tàn phá.
Theo ngoisao.net