Những nét đặc sắc của rượu sa-kê so với nhiều loại rượu danh tiếng khác trên thế giới bắt nguồn từ vị trí địa lý cách biệt của Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật vẫn giữ vững phương pháp làm rượu sa-kê độc đáo của mình như một nét văn hóa riêng không hề bị pha trộn.Rượu sa-kê được làm từ loại gạo, nấm koji và trải qua một thời gian ủ rượu lâu dài.
Gạo sẽ được xay thật trắng và đem hấp. Nấm koji đóng vai trò rất quan trọng để có một mẻ rượu sa-kê ngon. Người ta chuyển hóa cơm thành đường nhờ vào nấm koji. Tiếp theo đó là cả một quá trình công phu với các bước thực hiện tỉ mỉ dựa trên kinh nghiệm truyền thống cùng phương pháp khoa học hiện đại. Làm rượu sa-kê đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như sự khéo léo và lòng kiên nhẫn.Để đánh giá từng loại rượu sa-kê, người Nhật thường dùng các tiêu chuẩn về độ ngọt, độ nguyên chất của chúng.
Người ta chia hương vị rượu sa-kê thành các mức chính như: Tanrei là vị thơm ngon, Nojun uma-kuchi là vị đậm đà và mạnh…Rượu sa-kê có nhiều mùi vị khác nhau phù hợp với khẩu vị riêng của từng người và thích hợp với mọi loại bữa ăn.Rượu Sake Ở mỗi vùng của Nhật Bản lại tùy vào khí hậu, đặc điểm tự nhiên cũng như phong cách ẩm thực của địa phương mình mà phát triển nên những loại rượu sa-kê riêng.Nếu Hiroshima nổi tiếng về loại rượu sa-kê ngọt có tính rất dịu thì Kochi lại lừng danh với loại rượu sa-kê nguyên chất và rất mạnh. Nếu người dân Shizuoka ưa chuộng và tự hào về loại rượu sa-kê có hương vị trái cây thì người dân Niigata lại yêu thích và kiêu hãnh về loại rượu sa-kê nguyên chất mang mùi thơm đặc biệt…
Rượu sa-kê để uống nóng, uống lạnh hay uống ở nhiệt độ bằng nhiệt độ trong phòng đều có vị ngon riêng. Ở Nhật Bản có rất nhiều Izakaya (quán rượu Nhật) là nơi bán rượu sa-kê và các đồ ăn bình dân đi kèm. Các món ăn khác nhau theo từng mùa bằng các nguyên liệu thích hợp để hương vị rượu sa-kê uống cùng trở nên ngon nhất. Có lẽ không có gì thú bằng mùa hè thưởng thức rượu sa-kê lạnh kèm món sashimi hay mùa đông được nhâm nhi chén rượu sa-kê nóng cùng món cá nấu.
Uống rượu sa-kê để tìm hiểu văn hóa Nhật BảnĐối với người dân Nhật Bản, rượu sa-kê không đơn thuần chỉ là một loại đồ uống trong bữa ăn! Ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đặc biệt của rượu sa-kê là ở chỗ nó không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh. Gạo là loại lương thực chủ yếu của người Nhật, đồng thời gạo cũng là nguyên liệu chính để tạo nên rượu sa-kê.
Trong quan niệm của họ, thần của rượu sa-kê chính là thần mùa màng. Chính vì thế, rượu sa-kê giữ vai trò rất quan trọng trong nhiều lễ hội tôn giáo cũng như trong nhiều sự kiện long trọng. Người Nhật thường rót rượu sa-kê vào Tsunodaru (thùng có sừng) – thùng màu đỏ có hai quai xách mỗi dịp vui như lễ hội hay lễ Thành niên, lễ đính hôn, lễ khánh thành…
Cũng giống với Việt Nam, ở Nhật Bản có phong tục dâng cúng rượu sa-kê lên các vị thần linh rồi sau đó mới dùng để thưởng thức trong bữa ăn.Uống rượu sa-kê được coi như là sự đánh dấu của một cam kết, đánh dấu sự thực hiện một lời hứa nào đó. Ở lễ cưới truyền thống của người Nhật, cô dâu và chú rể sẽ được mời uống “3 hớp, 3 chén” rượu sa-kê trong cùng một chén biểu tượng cho lời hứa sẻ chia ngọt bùi cũng như đắng cay trong cuộc sống từ nay về sau của họ.Sake Tây Hóa
Khi tham dự một lễ hội nào đó tại Nhật Bản, bạn có thể thấy người ta khiêng những thùng rượu sa-kê trên các bàn thờ di động đi qua nhiều con đường. Hoặc có lẽ, bạn cũng sẽ ấn tượng với hình ảnh những người tham gia lễ hội vui đùa tạt rượu sa-kê vào nhau.Từ trung tuần tháng ba hàng năm, khi hoa anh đào nở rộ cũng là lúc người dân xứ sở mặt trời mọc cùng bạn bè, người thân tổ chức các bữa tiệc Hanami (tiệc ngắm hoa) dưới tán anh đào. Tất nhiên, trong các bữa tiệc này không thể thiếu hương vị của rượu sa-kê!Vì vị trí quan trọng của rượu sa-kê trong đời sống ẩm thực cũng như đời sống văn hóa – tín ngưỡng nên người Nhật cũng đặc biệt chú trọng tới bình đựng và chén uống rượu.
Nhật Bản vốn nổi tiếng là một dân tộc có mỹ cảm rất cao. Người Nhật sử dụng từng loại bình, từng loại chén đựng sa-kê với kiểu dáng, màu sắc phù hợp với các mục đích khác nhau. Vào dịp Oshogatsu (lễ hội Năm mới) hay các dịp ăn mừng, họ dùng chén Sakazuki và bình Choshi với màu đỏ và màu đen bóng. Bình dựng rượu để dâng cúng thần linh là loại bình màu trắng tinh khiết tượng trưng cho sự thiêng liêng.