Kobe là trung tâm hành chính của tỉnh Hyogo và cũng là một trong những cảng biển chính ở Nhật Bản. Hiện Kobe nằm trong 3 tam giác kinh tế du lịch văn hóa của vùng Kansai: Osaka- Kobe- Kyoto. Kobe chịu nhiều ảnh hưởng của phương Tây, vốn nhiều công viên và kiến trúc đẹp. Sức lôi cuốn của thành phố này ở chỗ bốn mùa quanh năm phong cảnh thiên nhiên rực rỡ.
Xuống đồi từ Kitano ra phía cảng, du khách có thể cảm nhận được sự hiện diện của các thương nhân nước ngoài từng cư ngụ nơi đây. Bên cạnh những khu nhà cong có các nhà thờ, cũng có một giáo đường Do Thái, một ngôi đền Ấn Độ giáo. Thánh đường Hồi giáo Kobe là một tòa nhà rất ấn tượng, vượt hơn hẳn những tòa nhà xung quanh. Đặc biệt, còn có một ngôi đền Quan thánh với màu sắc rực rỡ, nơi thờ Quan Vũ – một vị tướng thời Tam Quốc và được tôn vinh là thần thánh của Trung Quốc. Nơi này còn có Phố Nam Kinh – một khu phố của người Hoa với cả trăm tiệm ăn Trung Hoa, những cửa hàng tạp hóa đứng san sát nhau với những bảng quảng cáo đầy màu sắc. Những người bán hàng và mùi vị thơm ngon của thức ăn như mời gọi du khách bước vào. Có người vừa đi tản bộ vừa nhấm nháp một món ăn gì đó.
Cầu cảng Mariken trước kia là nơi tàu nước ngoài xuống hàng nhưng sau này tàu thả neo tại những cầu cảng lớn hơn gần đó. Khu vực này giờ là công viên Mariken và bến thuyền ở đó chỉ dành cho tàu thuyền chuyến đi chơi trên biển. Tháp cảng tại công viên cao 108m và là biểu tượng của cảng. Từ trên đỉnh tháp, du khách có thể thấy được quang cảnh đẹp mắt cả thành phố, xa hơn nữa là thành phố Osaka và đảo Shikoku. Khu mua sắm lớn nhất Kobe là Sannomiya nằm phía Bắc cảng, giữa hai ga Sannomiya và Motomachi. Khu mua bán có mái vòm kéo dài khoảng 550m và là nơi được nhiều người mua sắm biết đến. Khu bên cạnh nổi tiếng với nhiều tiệm bánh kẹo Tây phương.
Một điểm đến khác mà du khách không thể không ghé thăm là Bảo tàng động đất. Bảo tàng này mở cửa đón khách đầu năm 2002 là một phần thuộc Viện tái thiết nhân lực và ngăn ngừa thảm họa, ra đời để tưởng niệm cho sự kiện thảm khốc ngày 17/1/1995 tại Kobe. Những cơ quan chức trách tại thành phố đồng ý thiết lập bảo tàng còn vì lý do để giáo dục. Họ muốn cho những thanh niên Nhật ngày nay hiểu được những gì đã xảy ra, những hậu quả của động đất – từ đó, tuyên truyền những biện pháp để những người dân Nhật biết cách xử lý tình huống khi gặp động đất. Mỗi người dân đến đây sẽ được phát những quyển sách hướng dẫn xem nhà mình nên trang bị những dụng cụ thiết bị cần thiết nào có thể sử dụng khi động đất xảy ra.Từ ngoài nhìn vào, bảo tàng này trông có gì đó khác biệt nhưng bước vào trong, du khách sẽ được thấy những mô hình thu nhỏ tái hiện lại cảnh động đất xảy ra như thế nào, rồi cảnh đổ nát, những gì còn sót lại sau mỗi trận động đất. Có hẳn một khu riêng trong bảo tàng, trưng bày những tấm ảnh chụp những cảnh còn sót lại của trận động đất, rồi cả video ghi lại trận động đất kinh hoàng đó.
Bảo tàng đồ chơi Arima mở cửa phục vụ du khách vào ngày 19/7/2003. Bước vào bảo tàng này, du khách sẽ được chào đón bởi một chú lính chì hiền lành và bảng chỉ dẫn ở ngay bên cạnh. Giá vé 800 yen/người lớn (tương đương 140.000 đồng Việt Nam), 500 yen/trẻ em trên 3 tuổi (tương đương 82.000 đồng Việt Nam), trẻ em dưới 3 tuổi thì được miễn phí vào cửa. Sau đó, du khách tới cửa hàng Alimali, trưng bày những đồ chơi được làm theo phong cách của người Đức.
Du khách có thể dừng lại một lúc thưởng thức cà phê trong khu cà phê sách Alimali. Qua tầng 2, lên tầng 3, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đồ chơi tí hon cũng như mô hình tàu hỏa để biết thêm câu chuyện về việc sản xuất và sự ra đời của công ty đường sắt Đức Merukurin. Tầng 4 là nơi cư trú của những đồ chơi tự động. Du khách sẽ rất ngạc nhiên bởi những tiểu xảo của những nghệ nhân đã thổi hồn vào tạo nên sự kỳ diệu cho đồ chơi. Hơn 4.000 món đồ chơi được trưng bày ở bảo tàng có cả những đồ chơi phỏng theo hình nhân vật hoạt hình và truyện tranh… trong đó đồ chơi lắp ghép hiện đại được trưng bày ở tầng 5 rất cuốn hút trẻ em và người lớn bởi những khối gỗ sặc sỡ sắc màu.